Một điều nghe có vẻ khá vô lý, nhưng lại đang là một thực tế, đó là rất nhiều người đã và đang làm trong lĩnh vực in ấn, lại thiếu đi những kiến thức cơ bản về các loại giấy in ấn. Nói như vậy không có nghĩa là họ không biết đến những loại giấy này. Họ nhận biết chúng đa phần thông qua kinh nghiệm. Tuy nhiên, rõ ràng kinh nghiệm không phải lúc nào cũng chính xác. Các bạn cần trang bị cho mình những thông tin, kiến thức về các loại giấy này để công việc phân biệt, ứng dụng, cũng như tư vấn khách hàng trở nên hiệu quả hơn. Bài viết dưới đây sẽ cho bạn đầy đủ những thông tin, cách phân loại, cũng như đặc trưng nổi bật của các loại giấy in.
Các loại giấy in ấn
Các thông số cơ bản của giấy in
Giấy in có rất nhiều mẫu mã, màu sắc, chất liệu… Tuy nhiên, để nói về thông số, sẽ có 2 thông số cơ bản chính: Tên giấy và định lượng.
Tên giấy
Để phân biệt các loại giấy, người ta sử dụng những cái tên khác nhau cho chúng. Ở đây, bạn phải lưu ý giữa tên quốc tế và tên của thương hiệu. Để tiện cho việc tìm kiếm, cũng như tạo dựng thương hiệu riêng, một số nhà cung cấp giấy thường sử dụng các ký hiệu để định vị sản phẩm của mình. Tuy nhiên, đó không phải là tên thật để phân biệt từng loại giấy.
Định lượng
Định lượng giấy in là thông số thể hiện cân nặng của giấy trên một đơn vị diện tích (thông thường là 1 mét vuông). Đơn vị của định lượng là gram/m2. Định lượng quyết định rất nhiều đến chất lượng, đến phương án thiết kế cũng như giá thành của sản phẩm.
Ví dụ: Loại giấy Couche có cân nặng 200g/m2 sẽ được ký hiệu với cái tên: Giấy Couche 200.
Tên giấy + định lượng
Các loại giấy in ấn thông dụng
Thông thường, khi các bạn tìm hiểu về các loại giấy, sẽ thấy ngay những tên chữ latin của chúng (ví dụ như giấy Couche ở trên). Đây chính là những tên quốc tế. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ tìm hiểu theo từng loại tên giấy này, bạn sẽ rất khó khăn trong việc ứng dụng chúng. Chính vì thế, ngoài phân loại theo tên, bài viết này sẽ còn phân loại theo công dụng của từng loại giấy khác nhau.
Giấy mỹ thuật
Giấy mỹ thuật là loại giấy in cao cấp phục vụ cho việc in ấn bao bì sản phẩm, vật dụng trang trí, và những đồ dùng có tính thẩm mĩ cao như: namecard, hộp giấy, túi giấy… Chúng có màu sắc, mẫu mã vô cùng đa dạng. Đa phần, những mẫu giấy loại này khá mỏng và nhẹ. Định lượng chủ yếu dao động từ 120 – 180 gram/m2.
Một số loại giấy mỹ thuật phổ biến:
Giấy Kraft
Giấy Kraft là loại giấy mỹ thuật thường có màu vàng, nâu tự nhiên hoặc được tẩy trắng để làm giấy trắng. Loại giấy này tương đối thô, có tình bền, dẻo dai, có khả năng chịu kéo xé và bắt mực tốt. Chúng được ứng dụng nhiều trong các sản phẩm túi giấy, bao bì xi măng, túi đựng thực phẩm, giấy gói…
Ứng dụng của giấy Kraft
Một nét dễ nhận biết nhất của loại giấy này, chính là bề mặt có các “xơ len” đặc trưng. Không quá cầu kì trong hình thức, nhưng đây là loại giấy được sử dụng nhiều vì tính năng cũng như giá thành rẻ.
Bề mặt giấy Kraft
Giấy bồi
Giấy bồi được hiểu là loại giấy được sử dụng để xếp chồng lên trên một lớp giấy khác nhằm mục đích trang trí. Chính vì thế, màu sắc và họa tiết bề mặt của loại giấy này vô cùng đa dạng. Nó được sử dụng nhiều trong các sản phẩm như hộp giấy, bìa sách, bìa carton, túi giấy, menu… Giấy bồi giúp tăng được sự bắt mắt, ấn tượng cho sản phẩm.
Giấy bồi bìa sách
Giấy ánh kim
Giấy ánh kim là loại giấy được phủ lên bề mặt một lớp bụi kim loại lấp lánh đặc trưng. Đó cũng là đặc điểm dễ nhận ra nhất của loại giấy này. Nó có giá trị thẩm mỹ vô cùng cao. Tạo được điểm nhấn, cũng như sự thu hút cho sản phẩm. Màu sắc của loại giấy này cũng rất đa dạng và phong phú.
Giấy ánh kim độc đáo
Giấy in công nghiệp
Là những loại giấy được sản xuất với khối lượng lớn, được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của ngành công nghiệp nói chung.
Một số loại giấy in công nghiệp thông dụng:
Giấy Couche
Giấy Couche (hay còn gọi là giấy C) là loại giấy có bề mặt trắng, mịn vô cùng thông dụng. Có 2 loại chính là: Couche bóng và Couche matt. Couche bóng là loại thường dùng cho máy in offset. Couche matt có tính mềm và mịn hơn và in được trên tất cả các loại mực in liên tục dành cho máy in Epson.
Loại giấy này được sử dụng phổ biến trong các sản phẩm như: namecard, in poster, bìa sách, catalogue…
Giấy Couche với bề mặt trắng mịn
Giấy Carbonless
Giấy Carbonless là loại giấy được phủ một lớp hóa chất lên trên bề mặt. Lớp hóa chất này có tác dụng sao chép nội dung đã viết ở tờ giấy trước in lên tờ giấy sau. Chính vì thế, nó có tác dụng thay thế cho giấy than. Loại giấy này được ứng dụng chủ yếu trong việc in ấn hóa đơn, phiếu đặt hàng…
Giấy Carbonless sử dụng trong in hóa đơn
Giấy Duplex
Giấy Duplex là loại giấy có đặc trưng là 2 bề mặt có cấu tạo khác nhau. Một mặt trắng, trơn nhẵn, một mặt sẫm và sần sùi. Định lượng của loại giấy này khá cao (thông thường lớn hơn 210 gram/m2). Giấy duplex được ứng dụng nhiều trong các bao bì sản phẩm, hộp bánh kẹo, hộp đựng dược phẩm, bìa sách vở…
Giấy Duplex 2 mặt đặc trưng
Giấy Bristol
Giấy Bristol là loại giấy được tráng láng 2 mặt trắng, có bề mặt khá trơn và mịn. Nó thường được làm từ vài lớp giấy ép lại với nhau nên cứng và định lượng khá cao (khoảng 250 – 300 gram/m2).
Ứng dụng của loại giấy này cũng khá đa dạng. Loại mỏng có thể sử dụng bìa sách, bìa catalog… Loại dày có thể sử dụng để làm bản vẽ kỹ thuật, bìa đồ án…
Giấy Bristol sử dụng trong in bìa catalog
Lời kết
Trên đây là một số các loại giấy in ấn thông dụng ở Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường giấy in vẫn còn rất rất nhiều những loại giấy khác. Việc nắm được hết những kiến thức về tất cả các loại giấy, phân biệt và ứng dụng chúng một cách phù hợp không phải chuyện ngày một ngày hai. Mong rằng, những thông tin ít ỏi trên, sẽ phần nào giúp bạn hiểu hơn về các loại giấy in. Qua đó có thể ứng dụng một cách hiệu quả hơn trong công việc.
Các công dụng của giấy in có keo dán - Văn Phòng Phẩm Tuấn Tú Blog
[…] ra thị trường đều có những công dụng tuyệt vời riêng. Và đối với dòng giấy in có keo dán cũng vậy. Dưới đây là những công dụng của giấy này bạn có thể […]
Văn phòng phẩm được dùng nhiều nhất - Văn Phòng Phẩm Tuấn Tú Blog
[…] Giấy in, giấy photocopy là món vật tư không thể thiếu được trong công việc in ấn văn phòng. Đặt hàng văn phòng phẩm số lượng như thế nào là tùy theo nhu cầu in của doanh nghiệp. Thông dụng nhất là giấy in khổ A4 dành cho in ấn tài liệu, văn bản, in hợp đồng, … giấy in A3 dành cho in bản thiết kế, khổ A5 dành cho nhu cầu in hóa đơn. Bên cạnh đó, ta có thêm giấy in carbon (giấy in liên tục) dành riêng cho phòng kế toán, giấy in nhiệt dành cho bộ phận bán lẻ, giấy note tiện dụng cho ghi chép. […]